Trồng chanh dây tại nhà

Bạn có muốn thưởng thức những món ăn ngon có vị chua chua ngọt ngọt với mùi thơm thơm hoặc một ly chanh dây thanh mát bên dưới một giàn chanh dây sai trĩu quả hay không? Cùng Nhà Hinna nghiên cứu cách trồng nhé!


1. Đặc điểm cây chanh dây 

(Internet)

Chanh dây (tên khoa học là Passiflora edulis), còn được biết đến với các tên như mát mát, chùm bao trứng, chanh leo. Chúng thuộc họ Lạc Tiên (còn được biết đến như dây nhãn lồng, dây chùm bao).

Cây chanh dây là dây leo thân cỏ nửa gỗ, sống lâu năm, thân có thể dài đến 6m. Thân cây tròn có tua cuốn nên có thể bám vào giàn một cách dễ dàng. Lá cây chanh dây mọc xen và có răng cưa nhỏ ở viền lá.

Mùa chanh dây vào khoảng tháng 10, 11 hàng năm. Cây chanh dây ra hoa từ tháng 6 đến tháng 7, hoa chanh dây đẹp và lạ mắt, đường kính hoa khoảng 10cm. Hoa có màu trắng và phần gốc đài màu tím cùng với những tua rua khá lạ mắt.

Hoa chanh dây (Internet)

Quả chanh dây có dạng hình cầu hoặc hình bầu dục, khi chín trở màu vàng hoặc đỏ tía thẫm. Trong quả mọng nước, có nhiều hạt. Quả chín có vị chua ngọt được ưa chuộng.

Chanh dây bắt nguồn từ Nam Mỹ và dần trở nên phổ biến trên khắp các vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới trên toàn thế giới. Hiện nay, các quốc gia trồng nhiều chanh dây có thể kể đến là Ấn Độ, Sri Lanka, New Zealand,...

Ở Việt Nam, chanh dây đang được trồng tại 46 tỉnh, thành phố nhưng tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên…


2. Các loại chanh dây

Chanh dây thật ra có nhiều chủng loại đa dạng về màu sắc và kích cỡ. Có thể kể đến một số loại chanh dây phổ biến như chanh dây vàng, chanh dây tím, chanh dây chuối, chanh dây khổng lồ, chanh dây granadilla.


1. Chanh dây vàng

Chanh dây Vàng (Internet)

Nguồn gốc: Vùng Amazon, Brazil.

Đặc điểm:

    - Vỏ quả có màu vàng sáng

    - Hình dáng hơi dài hơn chanh dây tím

    - Kích thước trái lớn, gần bằng trái bưởi nhỏ

    - Chanh dây vàng có vỏ màu vàng


2. Chanh dây tím

Chanh dây Tím (Internet)

Nguồn gốc: Miền nam Brazil, Paraguay và miền bắc Argentina

Đặc điểm:

    - Khi trái chín vỏ có màu tím đậm

    - Trái có hình tròn hoặc hình quả trứng

    - Trái to bằng trái chanh lớn

    - Chanh dây tím khi chín có màu tím sẫm


3. Chanh dây chuối

Chanh dây Chuối (internet)

Nguồn gốc: Nam Mỹ

Đặc điểm:

    - Khi non vỏ có màu xanh và dần chuyển sang vàng, vàng nâu khi chín

    - Thân hình thon dài bầu dục, nhìn giống như một trái chuối

    - Chiều dài trái có thể lên tới hơn 12cm

    - Chanh dây chuối có hình dáng dài như quả chuối


4. Chanh dây khổng lồ

Chanh dây khổng lồ (Intenet)

Nguồn gốc: Nam Mỹ

Đặc điểm:

    - Vỏ mỏng màu xanh

    - Trái thuôn dài, hình trứng

    - Ruột có màu trắng hoặc hơi vàng.

    - Đường kính trái khoảng 12-15 cm, dài 10-30 cm.

    - Chanh dây khổng lồ có kích thước đường kính lớn, dài 10-30cm


5. Chanh dây Granadilla

Chanh dây Granadilla (internet) 

Nguồn gốc: Vùng núi Andes (chủ yếu là Peru và các quốc gia khác như Bolivia, Ecuador, Colombia, Venezuela)

Đặc điểm:

    - Khi chín vỏ chuyển sang màu cam

    - Trái có hình tròn bầu dục

    - Đường kính trái vào khoảng 5.1 – 7cm, dài 6.5 – 8 cm


3. Lợi ích của chanh dây

Chanh dây có chứa chất beta caroten, kali và xơ tiêu hóa. Nước chanh dây có nhiều vitamin C, vitamin A, sắt, kali và các thành phần dinh dưỡng khác cũng như các hoạt chất sinh học có lợi cho sức khoẻ.

Ngoài ra, hạt chanh dây là một nguồn chất xơ tuyệt vời, chính chất cơm nhầy bao quanh hạt làm cho chanh dây có mùi thơm đặc biệt ngây ngất, khó cưỡng lại.

(internet)


Nước chanh dây rất tốt cho người bị cao huyết áp, ổn định đường huyết, ngăn ngừa ung thư, bảo vệ tim mạch, tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện tiêu hóa, giúp xương chắc khỏe và điều hòa lưu thông máu.

Đặc biệt, uống chanh dây còn giúp chị em ngủ ngon, giảm stress hiệu quả, tăng cường sức khỏe da và chống lão hóa da, giúp bạn có một làn da căng bóng. Ngoài ra, chị em còn có thể giảm cân bằng chanh dây nữa đấy.

Chanh dây được nhiều người ưa chuộng làm sinh tố chanh dây, soda chanh dây, sữa chua chanh dây, trà chanh dây, mousse chanh dây, bánh chanh dây, rau câu chanh dây… hay chế biến thành sốt chanh dây ăn cùng với nhiều món ăn như tôm, thịt bò,…


4. Cách trồng cây chanh dây 

Đối với cây chanh dây, bạn có thể trồng cây quanh năm, tuy nhiên thời vụ thích hợp nhất là cuối tháng 11 và tháng 1 năm sau. Bạn có thể trồng chanh dây bằng hạt hoặc bằng cành đều được.


    1. Cách trồng chanh dây bằng hạt

Bạn có thể mua hạt giống chanh dây tại các cửa hàng hạt giống hoặc bạn có thể tự mình chuẩn bị hạt giống bằng cách mua quả chanh dây chín từ cửa hàng về rồi lấy hạt tươi.

Sau đó, rải hạt lên mảnh vải và xoa cho đến khi lớp màng bảo vệ bên ngoài hạt (còn gọi là áo hạt) bung ra. Rồi bạn rửa hạt trong nước và phơi khô 3 - 4 ngày. Sau khi hạt khô, bạn tiến hành ngâm ủ hạt giống.

Ngâm hạt giống trong nước ấm 30 - 40°C (2 sôi : 3 lạnh) trong 24 giờ, vớt bỏ hạt lép, hạt hư đi. Hoặc bạn có thể ngâm hạt bằng các loại dung dịch kích thích nảy mầm như N3M, Litosen, Comcat…

Sau khi ngâm xong bạn vớt ra, sau đó ủ thêm 1 giờ hoặc sau khi hạt nứt vỏ thì đem gieo. Bạn gieo hạt giống vào khay ươm chuyên dụng như giá thể mụn dừa, giá thể Peatmoss… 

Đặt khay vào nơi râm mát, có cường độ ánh sáng nhẹ tưới nước thường xuyên. Sau 15 - 20 ngày, hạt giống sẽ bắt đầu nảy mầm. Khoảng đến tuần thứ 6, khi cây con cao khoảng 10cm - 20cm thì bạn chọn những cây con tốt nhất đem trồng vào chậu.

(Internet)


    2. Cách trồng cây chanh dây bằng cành

Để trồng cây chanh dây bằng cành, bạn chọn cành giâm từ cây chanh dây trưởng thành và khỏe mạnh. Cắt một đoạn cành có ít nhất 3 chồi hoặc nhiều hơn, và cắt ngay bên dưới chồi dưới cùng.

Sau đó bạn ngâm phần gốc đoạn cành vào dung dịch phân bón kích rễ như N3M, Roots 2, Bimix Super Root… trong 15 phút rồi vớt ra và cắm vào đất ẩm hoặc các loại giá thể giâm cành.

Giá thể giâm cành bạn có thể sử dụng giá thể ươm giống như giá thể mụn dừa, giá thể Peatmoss… Sau đó bạn cần duy trì độ ẩm để cành ra rể, bạn có thể dùng túi ny lông bọc cả chậu để giữ ẩm cho cành giâm. 

Bạn đặt cành giâm ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp. Sau khoảng 10 - 15 ngày, cành giâm sẽ ra rễ, khi cành giâm đã ra nhiều rễ và hồi phục thì bạn có thể đem trồng vào chậu.

(Internet)


    3. Cách trồng chanh dây trong chậu

Khi đã có cây con, việc tiếp theo bạn cần làm đó là chọn chậu trồng và đất trồng thích hợp. Vì là là cây ăn trái trồng lâu năm, bạn nên chọn chậu trồng phải có chiều sâu và rộng. Chậu nên có kích thước tối thiểu là 50 x 50 x 50cm thì mới đảm bảo đủ lượng đất và dinh dưỡng để cây sinh trưởng và phát triển.

(Internet)

Cây chanh dây có thể được trồng bằng đất thịt, đất cát pha và đặc biệt phát triển tốt trên nền đất phù sa giàu dinh dưỡng. Đất trồng chanh dây phải đảm bảo giàu dinh dưỡng và độ tơi xốp thoát nước tốt, tuyệt đối không để cho cây bị úng nước.

Hỗn hợp đất trồng cây chanh dây cần có đất thịt, phân hữu cơ như trùn quế, phân bò, phân dê… các loại giá thể giúp đất tơi xốp như mụn dừa, trấu hun… và viên đất nung lót đáy chậu thoát nước.

Trộn hỗn hợp đất trồng cây chanh dây với 1 bao đất thịt 20dm3 + 5dm3 mụn dừa đã qua xử lý + 1 túi phân trùn quế 2kg + 1 kg phân dê (ngoài ra có thể trộn phân bò, phân gà, phân rác bếp ủ hoai… để thay thế).

Ngoài ra, bạn nên trộn thêm một ít các chế phẩm sinh học có chứa các vi sinh vật đối kháng nấm đối kháng như Trichoderma, Bio - B để có thể ngăn ngừa các loại nấm bệnh và tuyến trùng trong đất được tốt hơn.

Khi đã chuẩn bị đất và chậu trồng xong bạn tiến hành trồng cây chanh dây con vào chậu. Trước khi trồng bạn nên rải ở đáy chậu một lớp viên đất nung để tạo độ thông thoáng, giúp chậu cây thoát nước tốt.

Tiếp theo, cho đất vào chậu, rồi nhẹ nhàng đặt cây ngay ngắn vào chậu, lấp đất lại và ấn nhẹ tay cho cây đứng, tránh làm đứt rễ cây, trồng xong tưới thật đẫm nước. Cắm cọc để cố định cây, đồng thời định hướng cho cây khi leo giàn. 

Để bộ rễ nhanh bén, nhanh thích nghi với môi trường đất mới bạn có thể sử dụng thuốc kích rễ để tưới cho cây ngay sau khi trồng. Bạn có thể sử dụng Org Hum, Acroot, Axit Humic 322, Terra Sorb Root…

Khoảng 10 ngày đầu mới trồng, nên để chanh dây ở nơi bóng râm, ngày tưới nước 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Sau đó thì chọn nơi có nhiều nắng nhất để đặt chậu và cứ 3 - 5 ngày tưới 1 lần.

(Internet)


5. Cách chăm sóc chanh dây

    1. Ánh sáng, nhiệt độ và nước tưới

Cây chanh dây thích khí hậu ấm và ẩm, cần nhiều ánh sáng, nhiệt độ thích hợp từ 16 - 30°C, dưới 10°C cây sẽ chết.

Cây chanh dây không chịu được ngập úng nhưng lại cần độ ẩm khá cao, bạn cần tưới nước 2 ngày/ lần. Vào mùa nắng nóng hay thời điểm cây đang ra hoa, đậu trái, nuôi trái, bạn cần tăng lượng nước lên.

Vào mùa mưa, bạn hạn chế tưới nước lại, đồng thời theo dõi chậu cây thường xuyên, thoát nước kịp thời để rễ cây không bị ngập úng.


    2. Làm giàn cho cây chanh dây

Do là loại cây thân leo nên khi cây cao khoảng 60cm thì bạn phải làm giàn cho cây. Bạn có thể hàn khung sắt, bắt giàn cây căng kẽm… tùy theo điều kiện của mỗi người. Độ cao của giàn khoảng 1.8 - 2m để tiện việc đi lại, chăm sóc.


(Internet)


    3. Bón phân cho cây chanh dây

Sau khi trồng được khoảng một tháng lúc này rễ cây cũng đã quen với môi trường đất mới và hút chất dinh dưỡng, bạn tiến hành bón thúc thêm các loại phân hữu cơ kết hợp NPK để cây sinh trưởng và phát triển tốt hơn. 

Bạn có thể sử dụng một số loại phân hữu cơ như phân trùn quế, phân bò, phân gà, phân dê, phân hữu cơ Bounce Back… rải gốc cho cây định kỳ 10 - 15 ngày/ lần.

Đồng thời bạn kết hợp các loại phân bón NPK tổng hợp như 16-16-8, 20-20-15, 30-9-9… theo liều lượng trên bao bì, bạn hòa với nước rồi tưới gốc cho cây.

Khi cây bắt đầu ra hoa, cây sẽ cần hàm lượng lân và kali cao hơn. Lúc này bạn có thể sử dụng các loại phân như 6-30-30, 15-5-20, 10-30-20, 15-20-25…


    4. Tỉa cành, tạo tán chanh dây

Chọn các ngọn khỏe buộc vào cọc cho cây chanh dây leo lên giàn, các ngọn hoặc cành còn lại có thể cắt bỏ. Khi ngọn của thân chính đã leo cao khỏi giàn 20cm - 30cm, tiến hành cắt bỏ ngọn thân chính, lúc này cây sẽ mọc nhiều cành mới (cành cấp 1), đồng thời bạn bấm bớt lá ở gốc để tạo tán cho cây.

Mỗi cây chỉ nên để lại 2 - 4 cành cấp 1 và định hướng sao cho phân bố đều về các hướng trên giàn. Khi cành cấp 1 dài khoảng 0.8 - 1m, tiến hành cắt ngọn để cây mọc ra các cành cấp 2 (cành quả), mỗi cành cấp 1 để 10 - 20 cành cấp 2 tuỳ vào mật độ trồng. 

Bên cạnh đó, bạn cũng cần tỉa bỏ những cành mọc quá dày, mọc lộn xộn, cành bị sâu bệnh hại, cành còi cọc, bị che lấp ở phía dưới, cành vượt có tốc độ sinh trưởng không bình thường, cành không còn khả năng cho ra hoa đậu quả hay cành chột, đã cho quả ở vụ trước.


    5. Sâu, bệnh hại trên chanh dây

Cây chanh dây thường bị các bệnh do nấm gây ra như bệnh đốm nâu, bệnh sần sùi, bệnh phấn trắng… Đối với các bệnh do nấm gây ra, bạn có thể dùng các loại thuốc như Daconil, Ridomil Gold, Antracol, Aliette…

Ngoài ra, đối với các loại côn trùng gây hại như rệp, bọ trĩ, nhện đỏ… bạn cũng cần thường xuyên theo dõi. Bạn có thể phun phòng bằng dịch tỏi, Neem Chito, Bio - B… Khi rệp, bọ trĩ xuất hiện quá nhiều, bạn nên sử dụng Movento, Confidor, SK Enspray… Còn với nhện đỏ, bạn nên sử dụng Ortus.


    6. Hỗ trợ thụ phấn cho cây chanh dây 

Từ khi trồng cho đến khoảng 6 tháng, cây sẽ ra những bông hoa đầu tiên. Thông thường trên một cây sẽ có cả hoa đực và cái, cây sẽ tự thụ phấn nhờ ong bướm. Nếu sân thượng hoặc nơi bạn trồng ít ong, bướm ghé thăm, bạn có thể hỗ trợ cây thụ phấn.

Sau khi hoa nở được khoảng 1 tuần sẽ héo và bắt đầu chuyển dần sang quá trình tạo quả. Những quả non mới nhú thường có màu xanh non. Khi trưởng thành quả sẽ dần chuyển sang màu tím hoặc màu màu vàng đặc trưng.


6. Thu hoạch chanh dây

(Internet)

Nếu bạn chăm sóc đúng kỹ thuật, chỉ từ 5 - 6 tháng sau khi trồng đã có thể thu hoạch rồi.

Sau khi hình thành quả khoảng 2 tuần, quả chanh dây sẽ bắt đầu chín. Bạn thu hoạch khi vỏ quả đã chuyển sang màu tím hoặc vàng. Dùng kéo cắt cẩn thận rồi bảo quản quả chanh dây ở nơi thoáng mát.


Nguồn sưu tầm










Nhận xét