Chanh dây là một loại trái cây nhiệt đới có vị chua thanh, hương thơm khá hấp dẫn được rất nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là những người quan tâm đến sức khỏe. Hãy cùng Nhà Hinna tìm hiểu về nó nha!
1. Tìm hiểu về chanh dây
Chanh dây (tên khoa học là Passiflora edulis) hay còn có các tên gọi khác như mát mát, chanh leo, chùm bao trứng. Chúng thuộc họ Lạc Tiên (còn được biết đến như dây nhãn lồng, dây chùm bao). Nó có lớp vỏ bên ngoài cứng, bao bọc một lớp hạt bên trong. Có nhiều giống chanh dây khác nhau về kích thước và màu sắc, trong đó các giống màu tím và vàng là loại phổ biến nhất.
Chanh dây được đánh giá cao là một trong những loại trái cây bổ dưỡng chứa nhiều dưỡng chất và các Vitamin cần thiết. Cụ thể trong 1 trái chanh dây chứa:
Lượng calo: 17 calo
Chất xơ: 2 gam
Vitamin C: 9% giá trị hàng ngày (DV)
Vitamin A: 8% DV
Sắt: 2% DV
Kali: 2% DV
Chứa nhiều Axit amin như Tyrosin, Glycin, Valin…thích hợp với người bị suy nhược.
Giàu Vitamin A, vitamin C có tác dụng chống lão hóa da, cải thiện thị lực, tốt cho hệ tim mạch, người mang thai và những người mất ngủ.
Giàu chất xơ, Protein và các khoáng chất khác mà không gây tăng cân. Ngược lại làm giảm chứng nhức đầu, phù hợp với người mắc bệnh huyết áp cao.
Chanh dây tốt cho hệ tiêu hóa, ngừa tình trạng táo bón. Ngoài ra, dinh dưỡng có trong chanh dây còn ngừa được sự phát triển của các tế bào ung thư.
Trên thực tế, một nghiên cứu cho thấy chanh dây giàu polyphenol nhiều hơn loại trái cây nhiệt đới khác như vải, xoài, chuối, đu đủ và dứa. Ngoài ra, quả chanh dây cũng cung cấp một lượng nhỏ chất sắt. Cơ thể của bạn thường không dễ hấp thụ chất sắt từ thực vật. Tuy nhiên, chất sắt trong chanh dây lại đi cùng rất nhiều vitamin C, được biết là có tác dụng tăng cường khả năng hấp thu sắt.
2. Những lợi ích của chanh dây
1. Tốt cho hệ tiêu hoá
Chanh dây đứng thứ 3 trong những loại quả cung cấp nhiều chất xơ nhất, chỉ sau hạnh nhân và dừa, 100gr chanh dây cung cấp đến 10gr chất xơ.
Chất xơ đóng vai trò quan trọng để giúp đường ruột của bạn hoạt động khỏe mạnh và ngăn ngừa táo bón. Nhưng đa phần mọi người đều không ăn đủ chất xơ cần thiết mỗi ngày. Chất xơ hòa tan giúp làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn, đồng thời ngăn chặn lượng đường trong máu tăng đột biến.
Bổ sung chất xơ rất rốt cho hệ tiêu hóa, giúp quét sạch đường ruột, giảm hấp thụ cholesterol, ngăn ngừa táo bón, giảm nguy cơ ung thư đại tràng. Chế độ ăn nhiều chất xơ cũng rất phù hợp cho người ăn kiêng, giúp ổn định sức khỏe tim mạch, giảm mỡ máu, tiểu đường…
2. Tăng cường sức đề kháng
Chất chống oxy hóa có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do, là những phân tử không ổn định có thể làm hỏng tế bào khi xuất hiện với số lượng lớn. Chanh dây chứa rất nhiều chất chống oxy hóa và giàu vitamin C, beta carotene (tiền vitamin A) và polyphenol.
Vitamin C, là chất chống oxi hóa mạnh, giúp tăng sức đề kháng của cơ thể, tiêu diệt các gốc tự do, làm chậm sự lão hóa, đẩy mạnh sự sản sinh collagen làm đẹp da và tóc.
Polyphenol là các hợp chất thực vật có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa, đồng nghĩa với việc làm giảm nguy cơ bị viêm và các tình trạng mãn tính như bệnh lý tim mạch.
3. Giảm huyết áp
Chanh dây là loại quả cung cấp nhiều kali, giúp cân bằng nước và điện giải của cơ thể, duy trì hoạt động bình thường của nhiều cơ quan quan trọng. Bổ sung kali còn có tác dụng làm giảm huyết áp, tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ tiêu hóa, hô hấp, giảm hen phế quản, giúp ổn định nhịp tim…
4. Giảm triệu chứng mất ngủ
Chanh dây có tác dụng làm giảm căng thẳng, làm dịu thần kinh. Vậy nên nó có tác dụng với người mất ngủ do căng thẳng hay bị rối loạn giấc ngủ.
Lưu ý, chanh dây giàu tính axit, nếu uống khi đói bụng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ cho sức khỏe dạ dày, gây ra tình trạng viêm loét dạ dày, thậm chí xuất huyết dạ dày. Tốt nhất mọi người chỉ nên uống nước chanh dây sau khi đã ăn buổi tối đủ no khoảng 30 phút để đảm bảo không ảnh hưởng đến sức khỏe dạ dày.
5. Giúp giảm cân
Chanh dây là một trong các loại trái cây được nhiều chị em yêu thích, vì nó chứa ít calo, chất béo và natri, 100gr chanh dây chỉ có 97 calo. Cùng với lượng chất xơ cao giúp giảm sự thèm ăn, hỗ trợ giảm cân rất tốt.
6. Giúp làm đẹp da, tốt cho mắt
Chanh dây là nguồn cung cấp vitamin A dồi dào, dưỡng chất đặc biệt có lợi giúp làm đẹp cho da. Các chất chống oxy hóa khác trong chanh dây như vitamin C, riboflavin và carotene cũng giúp tăng cường sức khỏe của da và đẩy lùi các dấu hiệu của lão hóa.
Beta carotene (tiền vitamin A) cũng là một chất chống oxy hóa quan trọng. Cơ thể của bạn chuyển hóa nó thành vitamin A, rất cần thiết để duy trì thị lực tốt, giúp ngăn ngừa đục thủy tinh thể, chứng quáng gà và thoái hóa điểm vàng. Chế độ ăn giàu beta carotene có nguồn gốc thực vật có thể giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư tuyến tiền liệt, ruột kết, dạ dày và vú.
7. Tốt cho người bệnh tiểu đường
Chanh dây có chỉ số đường huyết thấp và chất xơ cao rất tốt cho người tiểu đường, ăn chanh dây sẽ giúp giữ mức đường trong máu ổn định.
Hạt chanh dây cũng chứa nhiều piceatannol một loại polyphenol giúp cải thiện độ nhạy insulin ở nam giới bị thừa cân, đồng thời làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 khi được dùng dưới dạng thực phẩm bổ sung.
8. Vỏ chanh dây có tác dụng giảm viêm
Hàm lượng chất chống oxy hóa cao trong vỏ chanh dây có thể mang lại tác dụng chống viêm mạnh mẽ nếu được dùng dưới dạng thực phẩm bổ sung. Một nghiên cứu nhỏ đã điều tra tác động của vỏ chanh dây tím đối với các triệu chứng của bệnh hen suyễn trong 4 tuần. Kết quả nhóm dùng chất bổ sung đã giảm được tình trạng thở khò khè, ho và khó thở.
Trong một nghiên cứu khác ở những bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối, những người dùng thuốc chiết xuất vỏ chanh dây tím cho biết ít bị đau và cứng khớp hơn những người không dùng chất bổ sung.
Nhìn chung, công dụng của chất chống oxy hóa đối với chứng viêm và đau ở những người bị viêm xương khớp vẫn chưa rõ ràng và cần có những nghiên cứu bổ sung để chứng minh thêm.
3. Chanh dây dùng bao nhiêu là tốt?
Chanh dây tuy có nhiều lợi ích tốt cho sức khoẻ, nhưng không nên dùng quá nhiều trong ngày. Mỗi ngày chỉ nên dùng 1 - 2 quả chanh dây là đủ, dùng quá nhiều chanh dây có thể gây tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe.
4. Tác hại khi sử dụng chanh dây không đúng cách
Chanh dây có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng nếu lạm dụng sẽ gây ra những nguy hiểm cho sức khỏe. Cụ thể:
Gây ra bệnh sỏi thận: đối với những người bị viêm loét dạ dày, nếu dùng quá nhiều hoặc thường xuyên, các chất Axit hữu cơ có trong chanh dây sẽ khiến bạn mắc thêm chứng bệnh sỏi thận.
Gây dị ứng: nếu dùng chanh dây không điều độ có khả năng bị nổi mề đay, khó thở hoặc phù mạch máu. Hoặc nếu dùng quá nhiều sẽ dẫn đến tác dụng phụ như nôn mửa, mệt mỏi và thiếu minh mẫn. Chanh dây thường rất an toàn để ăn đối với hầu hết mọi người, tuy nhiên vẫn có một số người nhất định bị dị ứng với loại quả này. Những người bị dị ứng với latex - loại protein có trong mủ cao su tự nhiên, là có nguy cơ dị ứng chanh dây cao nhất.
Viêm ruột thừa: khi nuốt quá nhiều hạt chanh dây trong thời gian dài sẽ khiến bạn mắc chứng viêm ruột thừa hoặc viêm túi ruột già.
Nguy cơ chảy máu và gây buồn ngủ: nếu dùng chanh dây không đúng cách nó có khả năng phản ứng với các loại thuốc an thần hoặc một số loại thảo dược khiến bạn luôn buồn ngủ. Còn nếu dùng chanh dây khi uống thuốc chống đông, chanh dây sẽ khiến bạn chảy máu nhiều hơn.
Vỏ quả chanh dây tím cũng có thể chứa các hóa chất gọi là Cyanogenic glycoside. Chúng có thể kết hợp với các enzym để tạo thành chất độc xyanua và có khả năng gây độc với số lượng lớn. Tuy nhiên, lớp vỏ cứng bên ngoài của chanh dây ít khi được ăn và cũng thường được coi là không ăn được.
Lưu ý: khi có các triệu chứng bất thường nêu trên bạn cần tìm gặp bác sĩ ngay để được khám và điều trị kịp thời. Phụ nữ mang thai hoặc mẹ đang cho con bú không nên dùng chanh dây quá nhiều.
5. Hướng dẫn cách dùng chanh dây
Để ăn loại trái cây nhiệt đới này, bạn cần cắt lát hoặc xé vỏ để lộ phần thịt quả và hạt nhiều màu sắc bên trong. Hạt có thể ăn được, nhưng cách tốt nhất khi ăn nên bỏ hạt, chỉ giữ phần ruột nhầy nhầy và nước của nó để tránh những tác hại không mong muốn. Màng trắng tách vỏ khỏi thịt cũng có thể ăn được, nhưng hầu hết mọi người không ăn vì nó rất đắng.
Chanh dây rất linh hoạt và có thể được sử dụng theo nhiều cách. Một số người thưởng thức trái cây sống trong khi một số khác lại ưa thích chế biến. Dưới đây là một số cách phổ biến hơn để chế biến chanh dây:
Đồ uống. Nó có thể được vắt qua rây để làm nước chanh dây, sau đó có thể được thêm vào các loại cocktail hoặc được sử dụng để tạo hương vị chua thanh nhẹ cho nước.
Các món tráng miệng. Nó thường được sử dụng làm lớp phủ trang trí hoặc hương liệu cho bánh ngọt và món tráng miệng như bánh pho mát hoặc mousse.
Cho vào món salad. Nó có thể được sử dụng để thêm kết cấu giòn và hương vị tươi mới cho món salad.
Kết hợp với sữa chua. Trộn chanh dây với sữa chua tự nhiên có thể tạo thành một món ăn nhẹ ngon.
Nếu bạn đang tìm kiếm một món ăn nhẹ bổ dưỡng và kích thích vị giác thì chanh dây là một lựa chọn tuyệt vời. Với đặc tính chứa ít calo nhưng nhiều chất dinh dưỡng, chất xơ và chất chống oxy hóa, đã khiến cho chanh dây trở thành một nguồn bổ sung tuyệt vời cho một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng.
Nhận xét