Nhà Hinna - Quả táo tàu mang đến nhiều công dụng cho sức khỏe. Từ lâu, táo tàu đã được sử dụng như một loại thực phẩm truyền thống bồi bổ sức khỏe.
Tìm hiểu về quả táo tàu
Táo tàu tên khoa học là Ziziphus jujuba, thuộc họ nhà táo Rhamnaceae. Việt Nam mình gọi là táo tàu (táo đỏ), táo đen; còn ở Trung Quốc gọi là đại táo (táo đen), hồng táo (táo đỏ) hay ở Nhật Bản nó có tên là natsume. Trái cây này có nguồn gốc từ Nam Á, ngoài là thảo dược được sử dụng phổ biến trong y học, táo tàu còn là thực phẩm chữa bệnh trong nấu ăn ở Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác.
Táo đỏ, còn được biết đến với một tên gọi phổ biến là táo tàu. Ngoài ra, táo đỏ còn có nhiều tên gọi khác như: đại táo, can táo, hồng táo, nam táo, đường táo, toan táo …
Táo tàu đã được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Hoa hơn 3.000 năm. Cùng với mận, mơ, đào và hạt dẻ, táo tàu là “ngũ quả nổi tiếng của Trung Quốc cổ đại”.
Quả táo tàu có hình dạng từ tròn đến hình quả lê. Nó có thể nhỏ như quả anh đào hoặc to như quả mận. Táo tàu vỏ mỏng, thịt màu trắng. Khi chín, quả táo tàu có màu đỏ sẫm. Sau khi chuyển sang màu đỏ hoàn toàn, quả bắt đầu nhăn lại và mềm đi. Với hương vị ngọt thanh và kết cấu dai mềm, táo đỏ thường được dùng ăn liền hoặc sử dụng trong các món ngọt truyền thống và các món hầm bổ dưỡng. Không chỉ thơm ngon, táo tàu còn nổi tiếng với những công dụng tốt cho sức khỏe.
Táo đỏ và táo đen
Có 2 loại táo tàu phổ biến là táo đen và táo đỏ. Hai loại táo này thực chất cùng là một loại nhưng khác nhau về màu sắc. Điều này là do thời điểm thu hoạch của chúng không giống nhau.
Cụ thể, táo tàu được thu hoạch khi quả chín, khoảng giữa tháng 9. Chúng được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời hoặc luộc sơ trước cho lớp vỏ bề mặt của quả mềm và nhăn lại, sau đó đem sấy khô.
Táo đỏ (Hong Zao) được thu hoạch khi chín và phơi trực tiếp dưới nắng. Táo đỏ đạt chất lượng để sử dụng trong nấu nướng là quả dày, màu đỏ nhạt hoặc màu nâu sẫm với hạt nhỏ và vị ngọt.
Táo tàu đen (Hei Zao) được thu hoạch khi chín, sau đó người ta luộc sơ chúng trước khi phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Táo đen phải có bề mặt đen, bóng, nhăn nheo và có vị ngọt.
Vì có giá trị dinh dưỡng như nhau, nên nhìn chung cả hai loại táo này đều tốt giống nhau.
Song, táo đen có dược tính cao hơn (thường có mùi thuốc), được sử dụng nhiều trong làm thuốc hơn táo đỏ. Bạn có thể dễ dàng nhận thấy trong các túi thuốc Bắc, không thể nào thiếu những quả táo đen ngọt thơm. Trong khi đó, táo đỏ thường được dùng nhiều trong nấu nướng, chẳng hạn như trong các loại chè, nước uống giải nhiệt, chưng cùng yến sào…
Hiện nay trên thị trường phổ biến là táo đỏ Trung Quốc và táo đỏ Hàn Quốc.
Giá trị dinh dưỡng của táo tàu
Những tác dụng của táo đỏ hầu hết đến từ thành phần dinh dưỡng bên trong. Quả táo đỏ (táo tàu) chứa nhiều các hợp chất chống oxy hóa. Đặc biệt, đây là nguồn cung cấp phong phú các hợp chất như: flavonoid, polysaccharid và axit triterpenic.
Bên cạnh đó, táo tàu còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất và ít calo. Cụ thể, trong 100g táo đỏ tươi có chứa:
Chất béo: 0,2 gam
Chất đạm: 1,2 gam
Carbohydrate: 20,2 gram
Kali: 250 miligam
Vitamin C: 69 miligam (khoảng 77% giá trị hàng ngày được khuyến nghị)
Ngoài ra, táo đỏ còn chứa một số loại khoáng chất khác như: photpho, canxi, magie và một lượng vitamin B phức hợp nhất định.
Quả táo đỏ có thể được dùng tươi hoặc sấy khô. Sau khi khử nước trong quả, táo tàu có thể được bảo quản lâu hơn. Thành phần dinh dưỡng của táo tàu khô dường như không đổi. Tuy nhiên, sau quá trình sấy hoặc phơi khô, lượng đường trái cây trong táo đỏ sẽ cô đặc. Vì thế, loại táo khô được sử dụng trong làm thuốc và nấu nướng như táo đen, táo đỏ có lượng đường cũng như calo cao hơn nhiều so với trái táo tươi.
Táo tàu bao nhiêu calo?
Táo tàu có chứa tinh bột ở dạng đường tự nhiên và rất ít calo. Nó có thể cung cấp năng lượng cho cơ thể mà không gây béo.
Nhìn chung táo đỏ, hay táo tàu, là một loại trái cây ít calo. Trong 100g táo tàu tươi chỉ chứa 78 calo. Cùng trọng lượng, quả táo tàu sấy khô chứa đến 287 calo.
Công dụng của táo đỏ
Quả táo tàu đã được sử dụng như một vị thuốc trong y học cổ truyền. Hãy cùng tìm hiểu ăn táo đỏ có tác dụng gì và những công dụng của táo đỏ khô đối với sức khỏe bạn nhé!
1. Hỗ trợ điều trị mất ngủ
Quả táo đỏ và hạt của chúng được sử dụng trong các bài thuốc chữa mất ngủ trong Đông y. Trong các nghiên cứu khoa học hiện đại, công dụng này của táo đỏ cũng đã được chứng minh.
Nghiên cứu trên động vật cho thấy các chất phenolic và flavonoid trong hạt táo đỏ có tác dụng làm dịu thần kinh. Từ đó, hạt của quả táo đỏ có tác dụng như một loại thuốc an thần tự nhiên.
Chất saponin, flavonoid và polysaccharide trong quả táo tàu cũng đã được chứng minh có tác dụng an thần. Nhờ đó, công dụng của táo đỏ giúp bạn ngủ ngon hơn.
Bí quyết cho bạn: Một tách trà táo đỏ khi trước khi đi ngủ có thể giúp bạn dễ ngủ hơn đấy.
2. Chất chống oxy hóa và vitamin C chống lại bệnh tật
Nhờ có chứa nhiều chất chống oxy hóa và vitamin C, táo đỏ có khả năng chống lại các gốc tự do. Các gốc tự do được cho là nguyên nhân chính gây ra một số bệnh mãn tính, bao gồm: bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch và một số bệnh ung thư.
Ăn táo đỏ không chỉ có công dụng ngăn ngừa các loại bệnh mãn tính. Vitamin C trong táo đỏ còn có thể tăng cường hệ miễn dịch và chống viêm cho cơ thể. Một nghiên cứu trên động vật cho thấy flavonoid trong táo tàu còn giúp giảm căng thẳng và viêm nhiễm ở gan.
3. Hỗ trợ tăng cường trí nhớ
Tăng cường trí nhớ là một tác dụng của táo đỏ ít người biết.
Nghiên cứu lâm sàng cho thấy chiết xuất của táo tàu có thể cải thiện trí nhớ và giúp bảo vệ các tế bào não. Quả táo tàu cùng được cho là có thể thúc đẩy trí nhớ. Những tác dụng này của táo tàu là nhờ vào các hợp chất chống oxy hóa và chống viêm, chống lại stress oxy hóa gây hại cho não.
Hạt táo tàu cũng cho thấy khả năng hỗ trợ điều trị chứng mất trí do Alzheimer’s trong thí nghiệm trên động vật.
Ngoài ra, Tạp chí Ethnopharmacology cũng đề cập chiết xuất hạt táo tàu có tác dụng chống lo âu ở liều thấp.
4. Hỗ trợ tim và trợ giúp huyết áp
Táo đỏ, hay táo tàu cung cấp nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe tim và mạch máu của bạn. Trong táo tàu có chứa nhiều kali, mangan và chất chống oxy hóa.
Kali trong táo tàu giúp mạch máu được thư giãn.
Hàm lượng mangan trong táo tàu đóng một vai trò nhất định trong việc kiểm soát huyết áp.
Các chất chống oxy hóa như: flavonoid, polysaccharide và triterpenoid giúp hỗ trợ tim mạch khỏe mạnh và tăng cường trao đổi chất.
5. Ăn táo đỏ giúp cải thiện hệ tiêu hóa
Quả táo tàu trong các món như: cháo, súp, trà… được cho là có thể giúp tăng cường sức khỏe đường ruột.
Ăn một lượng táo đỏ vừa phải mỗi ngày giúp cải thiện môi trường sống của các lợi khuẩn trong đường ruột. Ngoài ra, ăn táo tàu khô sẽ giúp giảm sự tiếp xúc của niêm mạc ruột với amoniac độc hại.
6. Ăn táo tàu giảm táo bón mãn tính
Một lợi ích tiêu hóa cụ thể của táo tàu là giảm táo bón tự nhiên. Đó là nhờ vào lượng chất xơ dồi dào và các hợp chất thực vật trong thành phần của táo tàu.
Tạp chí Digestion đã xác nhận tính an toàn và hiệu quả của chiết xuất táo tàu đối với chứng táo bón sau 12 tuần sử dụng.
7. Hỗ trợ người bệnh thận
Hỗ trợ thận là công dụng ít người biết đến của táo đỏ (táo tàu)
Một số nghiên cứu cho thấy sử dụng một lượng táo tàu vừa phải mỗi ngày giúp hạn chế nguy cơ tổn thương của thận. Ngoài ra, chiết xuất của táo tàu cũng có thể cải thiện được chức năng thận do giảm nồng độ creatinin và urê.
8. Khả năng chống ung thư
Một nghiên cứu thử nghiệm cho thấy tiềm năng chống lại ung thư trên tế bào khối u ở người của chiết xuất nước quả táo tàu khô. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện chiết xuất táo đỏ có thể ngăn chặn tế bào khối u bạch cầu.
Chính nhờ những phát hiện này, giới nghiên cứu kỳ vọng táo tàu có thể là một thực phẩm có khả năng chống ung thư. Thế nhưng, vẫn cần thêm các thí nghiệm khoa học quy mô lớn hơn để chứng minh công dụng này của táo tàu.
Lưu ý khi ăn táo tàu
Với những tác dụng tuyệt vời của táo đỏ, bạn có thể thêm loại quả này vào chế độ ăn lành mạnh. Tuy nhiên, có một số điều bạn cần lưu ý khi sử dụng loại trái cây này.
Sau đây là những người không nên ăn táo tàu:
- Người đang dùng thuốc chống trầm cảm venlafaxine hoặc các chất ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine khác (SSNRIs). Táo đỏ có thể tương tác với những thành phần của các loại thuốc này.
- Người đang sử dụng các loại thuốc trị co giật. Chẳng hạn như carbamazepine, phenytoin, phenobarbitone.
- Người có lượng đường huyết cao. Táo tàu sấy khô có lượng đường và calo khá cao. Vì thế hãy cân nhắc sử dụng nếu bạn gặp vấn đề về lượng đường trong máu.
Tốt nhất, nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ những loại thực phẩm mà bạn nên tránh nhé!
Bạn cũng có thể ăn sống quả táo tàu tươi và cảm nhận hương vị tươi ngọt và kết cấu giòn xốp như các loại táo thông thường. Táo đỏ sấy khô sẽ có vị ngọt đậm hơn và kết cấu dai mềm. Quả táo tàu khô được dùng trong nhiều món ngon như: gà hầm, chè dưỡng nhan, cháo, súp,…
Với những lợi ích tuyệt vời của táo tàu, hãy thêm loại quả này vào chế độ ăn uống dinh dưỡng của bạn nhé! Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn thông tin hữu ích cho bạn!
Nhận xét