Trồng rau càng cua tại nhà cực kỳ đơn giản

Mang trên mình vẻ ngoài trơn bóng, mọng nước, bên trong lại giòn giòn, giàu chất dinh dưỡng, càng cua xứng đáng là loại rau trộn gỏi ngon bật nhất. Còn điều gì tuyệt vời hơn là sở hữu ngay em nó trong nhà để thuận tiện cho gia đình mình có thể đổi vị cho những bữa cơm gia đình thêm hấp dẫn. Cùng Nhà Hinna trồng và tận hưởng nhé!

 

1. Đặc điểm nổi bật của rau càng cua

Rau càng cua còn được biết đến với nhiều tên gọi như rau tiêu, đơn kim, đơn buốt, cúc áo, quỷ châm thảo, thích châm thảo, tiểu quỷ châm… có tên khoa học là Peperomia pellucida, thuộc họ Hồ tiêu (Piperaceae). Đây là loại rau có nguồn gốc từ rau hoang dại, mọc nhiều nơi, sống trong vòng một năm, phân bố chủ yếu ở những khu vực có khí hậu nhiệt đới.

Càng cua là một loại cây thân thảo, thường bò lan khi trưởng thành, độ cao trung bình khoảng từ 20 – 30cm. Thân cây nhỏ và nhẵn bóng, có màu xanh nhàn nhạt, rất mọng nước. Rau khi ăn sống hơi chua giòn ngon cảm giác rất lạ miệng, đặc biệt là chứa hàm lượng dinh dưỡng vô cùng cao.

Lá cây có màu xanh trong, mọc so le nhau. Phiến lá dạng màng, có cuống và có nhiều hình thù tương tự nhau. Thường là hình tam giác hoặc trái xoan, tình tim ở gốc, còn ở chóp hơi tù và nhọn. Lá dài khoảng 15 – 20mm với chiều rộng gần bằng đài.


Hoa càng cua có hình chấm bi nhỏ, màu trắng, mọc thành từng chùm dài. Hoa có chiều dài gấp khoảng 2 – 3 lần lá, khi hoa tàn sẽ cho quả mọng có hình cầu và có mũi nhọn cứng ngắn ở phía đỉnh trông rất bắt mắt.

 

2. Những công dụng vàng của rau càng cua

 

a. Thành phần hóa học có trong càng cua

Là một loại rau có thân căng bóng, vô cùng mọng nước nên có một điều chắc chắn rằng trong rau càng cua thực sự chứa rất nhiều nước và chất xơ. Vì vậy đây chính là một loại rau bạn nên sử dụng để bổ sung nước vào mùa hè vô cùng hiệu quả đấy. 

Chưa dừng lại ở đó, càng cua còn bổ sung các chất dinh dưỡng mà không phải trong loài rau nào cũng có thể có như Beta-caroten, Dillapiole, Etanolic, Vitamin C, Caroteneoid, Kali, Magie, Canxi, Sắt, Photpho…


b. Chữa các bệnh viêm

Có thể bạn chưa biết ngoài chức năng là thực phẩm thì rau càng cua còn được biết đến với rất nhiều tác dụng chữa bệnh lí. Trong đông y người ta cho rằng rau càng cua vị đắng, tính bình do đó đây chính là một loại cây có tác dụng giúp thanh nhiệt, giải độc, khu phong, hoạt huyết, tan máu ứ.

Không những vậy, một nghiên cứu còn chỉ ra rằng chiết xuất từ rau càng cua kết hợp với thuốc Ibuprofen có thể giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng của viêm khớp, đặc biệt là các triệu chứng có liên quan đến bệnh viêm khớp gối, có khả khả năng tăng tốc độ chữa lành các chấn thương như gãy xương.

Chưa dừng lại ở đó loại rau này được sử dụng như một loại thuốc thường dùng để chữa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, viêm họng, viêm ruột thừa, viêm gan truyền nhiễm, viêm dạ dày - ruột, tiêu hóa kém, đau nhức xương khớp, sốt rét và chữa rắn cắn, nhọt lở, chấn thương sưng đau.


c. Ngăn ngừa ung thư

Đây chính là một điều đặc biệt mà thực phẩm vàng này đem lại cho sức khỏe của bạn. Theo các nhà nghiên cứu thì họ đã tiến hành tách các hợp chất từ rau càng cua và phát hiện rau có tác dụng ức chế sự phát triển của một số tế bào ung thư. 

Điều này cho thấy tiềm năng của loại rau này trong việc điều chế các loại thuốc điều trị ung thư. Vì vậy để ngăn ngừa căn bệnh tai ác này thì việc bổ sung rau càng cua vào thực đơn ăn uống của gia đình bạn cũng là một ý kiến không tồi đó.


3. Món ăn từ rau càng cua

Rau càng cua xào tỏi


Gỏi rau càng cua thịt bò


Canh rau càng cua


3. Trồng rau càng cua theo cách cực kì đơn giản mà ai cũng làm được

 

a. Chuẩn bị giống

Rau càng cua được trồng từ hạt. Do đó việc đầu tiên bạn cần làm khi bắt tay ngay vào việc trồng loại rau này là bạn phải chuẩn bị ngay một gói hạt giống rau càng cua tại các cơ sở bán hạt giống có uy tín. 

Khi mua bạn cần chú ý xem gói hạt giống có còn hạn sử dụng, có bị bong tróc hay hở ra không. Có như vậy thì mới đảm tỉ lệ nảy mầm của rau, đồng thời tránh việc mua không đúng giống.

Sau khi mua hạt giống về bạn tiến hành ngâm trong nước ấm (2 sôi : 3 lạnh) trong 2 – 5 giờ. Tiếp theo bạn đem hạt giống đã ngâm đi rửa sạch rồi ủ khăn ấm đến khi hạt có giấu hiệu nảy mầm thì đem đi gieo ngay.


b. Chuẩn bị dụng cụ, đất trồng

Bạn có thể tận dụng bất cứ dụng cụ từ hộp thiết bỏ, hộp kem (lớn), thùng xốp đến khay trồng rau, chậu treo tường, chậu treo ban công chỉ cần tạo hoặc có lỗ thoát nước là được.

Và có một điều có thể bạn chưa biết càng cua là một loại cây ưa ẩm, do đó bạn có thể kết hợp trồng xen càng cua vào những chậu cây cảnh. Khi đó bạn vừa có thể tiết kiệm diện tích, không lo việc phải suy nghĩ nên trồng ở đâu, vừa giúp gốc cây cảnh nhà mình giữ được độ ẩm, không bị cỏ dại xâm chiếm. Điều này thật tuyệt vời đúng không nào!


Đối với rau càng cua thì bạn nên chọn đất tơi xốp, có khả năng giữ nước và thoát nước. Đồng thời để giúp cho cây con phát triển thì bạn có thể bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng cách bón lót thêm các loại phân hữu cơ đã qua xử lí như phân bò, phân gà Nhật, phân trùn quế…

Bạn cũng có thể phối trộn đất theo công thức đơn giản với tỉ lệ 3 đất sạch : 3 trùn quế : 2 giá thể trấu hun : 2 giá thể mụn dừa hoặc bạn chỉ cần sử dụng loại đất đã được phối trộn đầy đủ đó là đất sạch hữu cơ chuyên dùng cho rau ăn lá.


c. Tiến hành trồng ngay thôi nào

Đầu tiên, bạn cần tưới nước để tạo độ ẩm cần thiết cho đất. Sau đó rạch từng hàng thẳng ở trong thùng xốp với khoảng cách hàng cách hàng 5cm và rắc đều hạt giống xuống đất.

Với cách gieo này thì bạn có thể dễ dàng kiểm soát sâu bệnh cũng như cỏ dại. Tuy nhiên nếu bạn muốn tiết kiệm diện tích đất hơn nữa thì có thể thể không tạo rãnh mà trực tiếp gieo hạt giống đều khắp.

Sau đó nên rải một lớp đất mỏng phủ lên bề mặt hạt giống mới gieo và tưới nước. Nhớ nên rải hạt giống vừa phải đều tay không quá dày mà cũng không quá thưa.


Sau khi gieo hạt thì bạn nên tiến hành che phủ 5 - 7 ngày bằng rơm rạ, mụn dừa, trấu hun… Hoặc sử dụng lưới che nắng che lên trên để hạt có thể giữ được độ ẩm thích hợp kích thích sự nảy mầm.


4. Chăm sóc rau càng cua dễ như chơi

 

a. Ánh sáng

Không giống như hầu hết các loại cây khác ưa sáng, càng cua là loại rau khá ưa bóng, thích nới ẩm ướt. Vì vậy bạn nên trồng càng cua nơi mát mẻ, có bóng râm xen kẽ chút ánh sáng vì nếu như không có ánh sáng thì cây sẽ bị vống, còi cọc, dễ bị sâu bệnh hại. Còn ánh sáng quá gắt thì cây dễ bị mất nước, cháy thân lá.


b. Chế độ nước

Là loại rau khá ưa nước nên khi mới gieo hạt để tăng khả năng nảy mầm và sống sót, tránh bị mất nước đối với càng cua dưới 10 ngày tuổi bạn nên tưới ngày 2 lần sáng chiều thật nhẹ nhàng bằng bình tưới vòi sen hoặc phun mưa.

Khi cây đã lớn và bắt đầu sinh trưởng phát triển khỏe mạnh thì bạn tưới 1 lần/ ngày. Tuy nhiên nên tránh trường hợp tưới quá nhiều vào buổi tối cây dễ bị nấm bệnh tấn công và chú ý là phải nên tưới đều khắp thật nhẹ nhàng bằng bình tưới vòi sen hoặc phun mưa.


c. Hàm lượng dinh dưỡng thiết yếu cho rau càng cua

Có nguồn gốc từ loài cây hoang dại nên sức sống của rau càng cua rất bền bỉ, đặc biệt nó thể sống ở những vùng đất cằn cỗi. Do đó khi trồng rau càng cua để đảm bảo rau thu hoạch thực sự là rau sạch thì bạn có thể không cần bón phân vô cơ cho cây mà thay vào đó có thể bổ sung dinh dưỡng bằng cách sau.

Sau khi gieo khoảng 7 – 10 ngày thì rau đã bắt đầu ra lá, rễ cũng tương đối ổn định. Lúc đó bạn có thể sử dụng các loại phân bón hữu đã qua xử lí như phân bò, phân gà nhật, phân trùn quế, phân hữu cơ Bounce Back…

Đồng thời kết hợp cùng các loại phân bón lá hữu cơ hấp thụ nhanh chóng hơn như phân đạm cá, rong biển, phân bánh dầu dạng nước…  bón định kì 2 tuần/lần.

Chú ý: Sau khi bón phân phải tưới lại bằng nước sạch để đảm bảo cây không bị cháy lá. Đồng thời cần quan sát mức độ sinh trưởng và màu sắc của lá mà có thể xác định số lần bón phân và điều chỉnh liều lượng phân bón tăng giảm sao cho phù hợp. 

Ngoài ra, đối với rau càng cua được trồng trong chậu cây cảnh, bạn chỉ nên bổ sung hàm lượng phân hữu cơ, nếu sử dụng các loại phân bón khác thì cần chú ý tình trạng của cây cảnh.


d. Nhổ cỏ, tỉa cây

Phải thường xuyên nhổ cỏ và vun gốc để cây có thể phát triển mạnh, đặc biệt là trong quá trình bón phân để cỏ không cạnh tranh hút hết các chất dinh dưỡng của cây.

Trong giai đoạn sau khi gieo trồng được 7 – 10 ngày, nếu cây mọc quá dày thì có thể tỉa bớt với khoảng cách mỗi cây cách nhau khoảng 2 – 3 cm để cây có đủ không gian sinh trưởng.


d. Sâu bệnh hại

 

Bệnh thối gốc ở rau càng cua

Nguyên nhân của bệnh này là do nấm Rhizoctonia solani gây nên. Khi nấm bệnh xâm nhập sẽ phá hủy gốc cây gần mặt đất đồng thời xuất hiện vết màu nâu bao quanh cổ rễ. Trên vết bệnh có lớp tơ nấm màu trắng và có những hạch nấm nhỏ màu đen như hạt cát.

Bệnh tấn công mạnh làm cây sinh trưởng kém, nhổ lên đứt gốc, gốc thối nhũn, lá vàng rụng, dần dần cây sẽ chết. Để phòng trừ bệnh này thì bạn cần có chế độ tưới nước hợp lí đồng thời khi cây có dấu hiệu bệnh thì nên nhổ bỏ các cây đó, vệ sinh vườn sạch sẽ và có thể sử dụng các loại thuốc trừ nấm bệnh để phun xịt cho cây như Antracol, Ridomil Gold, Daconil, Coc85…

Ngoài ra việc phòng bệnh hơn chữa bệnh, do đó trong quá trình trộn đất trồng cây, bạn có thể bổ sung thêm chế phẩm nấm Tricoderma để tăng cường hệ vi sinh có lợi trong đất, hạn chế được một số nấm bệnh, giúp cây sinh trưởng khỏe mạnh.


Các loại sâu ăn lá 

Trồng càng cua thì bạn nên yên tâm một điều rằng loại rau này rất ít bị sâu hại tấn công. Tuy nhiên tỉnh thoảng nếu thấy sự xuất hiện của sâu hại trên vườn rau nhà mình, bạn có thể dùng tay bắt trực tiếp. Khi sâu xuất hiện với mật độ lớn bạn có thể sử dụng dịch tỏi, Neem Chito, dầu khoáng SK Enspray 99 EC, Bio – B, Radiant… để phun cho cây.


e. Thu hoạch rau càng cua

Càng cua có thời gian sinh trưởng vô cùng ngắn, chỉ sau 30 – 45 ngày trồng là bạn đã có thể thu hoạch những cây rau càng cua giòn ngon rồi. Bạn nên thu hoạch vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát, theo kiểu cắt tỉa, cành dài cắt trước, ngắn cắt sau. 


Khi cắt, bạn chừa lại đoạn gốc khoảng 3 – 4cm để chúng tiếp tục phát triển. Đặc biệt nên nhớ phải cách li đủ thời gian ít nhất 10 ngày sau khi bón phân hoặc phun thuốc.

Chưa dừng lại ở đó, trồng một lứa càng cua có thể cho thu hoạch quanh năm, vì vậy sau khi thu hoạch xong bạn nên tiếp tục thực hiện chế độ chăm sóc để cây có đủ khả năng cho rau vào những ngày sau đó nha!

Việc trồng rau càng cua vô cùng đơn giản và không hề tốn nhiều công sức như bạn từng tưởng tượng đâu. Vì vậy để bữa ăn của gia đình thêm tròn vị mà luôn đảm bảo sức khỏe thì bạn nên bắt tay ngay vào việc trồng ngay một thùng rau càng cua giòn ngon đi nhé!



Nguồn sưu tầm




Nhận xét