1. Rau húng quế
Húng quế hay còn được người dân Việt Nam ta gọi với nhiều cái tên thân thuộc như là rau quế, é quế, húng chó… có tên khoa học là Ocimum basilicum. Tuy có nguồn gốc từ Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng hiện nay loại cây này đang được trồng rất phổ biến ở khắp các nước nhiệt đới.
Húng quế thuộc loài cây cao thân thảo sống lâu năm. Nó thường mọc thành bụi nhỏ và có chiều cao trung bình khoảng 30 – 40 cm. Thân cây nhẵn mịn, khi nhỏ có màu tím, lớn lên hóa nâu và đặc biệt là không hề có lông.
Lá rau húng quế là bộ phận được sử dụng nhiều nhất, chúng không mọc thành từng chum mà mọc riêng lẻ, đối nhau từng cặp, có màu xanh thẫm và tỏa ra mùi thơm đặc biệt.
Nổi bật giữ những cành lá xanh ngắt là những phát hoa quế mọc thành chùm, nụ hoa bé bé màu trắng pha chút tím dễ gây thương nhớ. Khi những nụ hoa xinh xinh ấy tàn đi sẽ cho những quả quế chứa những hạt quế màu đen khi ngâm và nước sẽ có lớp màng mỏng bao quanh mà người ta vẫn thường hay gọi là hạt é.
2. Công dụng của rau húng quế
Có thể bạn chưa biết ngoài công dụng là một loại rau gia vị được rất nhiều người ưa chuộng bởi sở hữu một hương thơm đặc biệt quyến rũ thì rau húng quế còn được giới am hiểu thực phẩm lựa chọn bởi nó còn chứa rất nhiều chất có lợi cho sức khỏe.
a. Chữa trị bệnh tiểu đường
Theo một số nghiên cứu cho biết thì lá rau húng quế chứa nhiều chất chống oxy hóa và các tinh dầu giúp sản xuất ra các chất như eugenol, methy eugenol caryphyllene.
Đây đều là những chất có tác dụng hỗ trợ cho các tế bào beta hoạt động tốt, làm tăng khả năng nhạy cảm với insulin, từ đó làm giảm mức đường huyết. Chính vì vậy mà đối với những ngươi bị tiểu đường thì rau húng quế chính là một phương thuốc tự nhiên không thể nào bỏ lỡ được.
b. Bảo vệ tim
Chưa dừng lại ở đó, hợp chất chống oxy hóa eugenol còn có khả năng giúp bảo vệ tim vô cùng hiệu quả bằng cách giữ cho mức huyết áp luôn nằm trong tầm kiểm soát đồng thời còn làm giảm mức cholesterol trong cơ thể.
Do đó, chỉ cần kiên trì nhai vài lá húng quế khi bụng còn đói mỗi ngày thì bạn đã có thể bảo vệ sức khỏe cho tim đồng thời giúp phòng tránh những căn bệnh về tim rồi đó.
c. Phòng chống ung thư
Một công dụng đặc biệt nữa không thể bỏ qua ở loại cây này chính là nó có thể giúp làm ngừng quá trình phát triển của bệnh ung thư vú và ung thư miệng. Những hợp chất chống oxy hóa có trong rau húng quế sẽ ngăn máu chảy về các khối u, từ đó làm hạn chế được sự phát tát và sinh trưởng của chúng.
Ngoài những tác dụng trên thì theo y học cổ truyền rau húng quế còn có rất nhiều tác dụng khác như chữa sốt, trị ho, ngăn ngừa stress, phân hủy sỏi trong thận, trị đau đầu…
3. Trồng rau húng quế trong thùng xốp bằng cành giâm
Một trong những ưu điểm lớn nhất của các loại rau gia vị là đa số chúng đều có thể trồng được bằng cành giâm rất dễ sống chỉ qua vài ba bước và cũng lớn nhanh hơn nhiều so với phương thức trồng gieo hạt truyền thống.
a. Chuẩn bị giống
Bạn có thể chuẩn bị cành giâm bằng cách cắt trực tiếp từ cây húng quế mẹ có sẵn hoặc tìm mua chúng ở những hàng bán rau thơm ngoài chợ. Tuy nhiên không phải cành nào cũng có thể sinh trưởng một cách tươi tốt, do đó bạn nên chọn những cành quế bánh tẻ, có 3 – 4 cặp lá, không quá già cũng không quá non, dài khoảng 15 – 18cm, nhìn trông khỏe mạnh, không sâu bệnh hại.
Sau khi đã chọn cành giâm xong thì bạn tiến hành cắt bỏ phần đầu ngọn, lặt bớt lá chỉ để 1 – 2 lá cho cây không bị mất nước nhiều. Tiếp theo bạn chuẩn bị một cốc nước sạch cho cành giâm vào ngâm trong 5 – 7 ngày đến khi cành ra rễ thì đem ra trồng.
Nên nhớ thay nước 2 ngày/ lần và để kích thích cành giâm nhanh ra rễ nhanh và đều thì nên pha thêm dung dịch kích thích ra rễ ngâm cùng trong vòng 2 – 3 giờ như N3M, Roots 2, Bimix Super Root…
Hoặc bản có thể trồng rau húng quế từ hạt giống, tuy nhiên cách trồng này sẽ lâu thu hoạch hơn, chất lượng cây phụ thuộc khá nhiều vào chất lượng hạt giống, vì vậy bạn cần mua hạt giống của các thương hiệu uy tín.
b. Chuẩn bị dụng cụ, đất trồng
Húng quế là loại cây thân bụi nên khi trồng bạn cần chọn những chậu trồng có kích thướt lớn hơn khi trồng những loại gia vị khác như chậu nhựa mềm size lớn, khay trồng hình chữ nhật hay thùng xốp. Chỉ cần lưu ý một điều là các chậu trồng phải có lỗ thoát nước để cây không bị ngập úng.
Đồng thời trong lúc này bạn cũng cần phải tiếp tục chuẩn bị đất trồng. Húng quế có sức sinh trưởng khá mạnh, không yêu cầu cao nên bạn có thể phối trộn đất theo công thức đơn giản với tỉ lệ 3 đất sạch : 3 phân trùn quế : 2 giá thể trấu hun : 2 mụn dừa.
Hoặc để nhanh chóng và tiết kiệm thời gian hơn thì bạn có thể sử dụng nguồn đất hữu cơ giàu dinh dưỡng đã qua phối trộn và xử lí dùng cho tất cả các loại rau là đất sạch hữu cơ Sfarm chuyên dùng cho rau ăn lá.
Sau khi đã trộn đều đất thì bạn cho chúng vào trong dụng cụ trồng. Lưu ý một điều rằng để đất không bị vương vãi ra ngoài và tiện lợi chăm sóc thì khi cho đất vào không nên quá đầy mà nên dưới miệng chậu 5 – 7 cm.
c. Tiến hành trồng thôi nào
Trước khi trồng bạn nên xới đất lại thật là kĩ cho đất tơi xốp, sau đó cho vào đất một lớp nước tạo độ ẩm thích hợp, tiếp theo là cho cành giâm đã ra rễ vào trồng khoảng cách cây cách cây, hàng cách hàng 20cm.
Sau khi trồng thì bạn nên tiến hành che phủ 5 – 7 ngày bằng rơm rạ, mụn dừa, trấu hun… Hoặc sử dụng lưới che nắng che lên trên để hạt có thể giữ được độ ẩm thích hợp để cành giâm hồi sức, nhanh chóng phát triển.
4. Chăm sóc rau húng quế xanh tốt quanh năm
a. Ánh sáng
Là loại rau khá ưa ánh sáng nên khi trồng bạn nên chọn nơi có nhiều ánh sáng như trên ban công, sân thưởng để giúp cây dễ dàng nhận đủ ánh sáng, giúp quang hợp tốt hơn, thân không bị vống, còi cọc và lá cũng có hương vị thơm ngon hơn. Tuy nhiên ánh sáng cũng không nên quá gắt để tránh trường hợp cây bị cháy lá.
b. Chế độ nước tưới
Có khả năng chịu hạn nên bạn yên tâm một điều rằng bạn sẽ tiết kiệm được kha khá thời gian tưới nước khi trồng loại rau này đấy. Chỉ cần khi mới trồng cây bạn phải tưới ngày 2 lần sáng chiều cho cây không bị mất nước, nảy mầm nhanh.
Đến khi cây ra lá mới thì bạn có thể tưới cây 2 – 3 ngày/ lần vào buổi sáng sớm hay chiều mát.
c. Hàm lượng dinh dưỡng
Đa số các loài rau gia vị đều khá nhạy cảm với phân bón vô cơ, đồng thời nếu hàm lượng phân bón này dư quá nhiều sẽ khiến cho rau gia vị không giữ được hàm lượng dinh dưỡng và hương vị đặc trưng vốn có.
Do đó khi trồng để đảm bảo rau thu hoạch thực sự là rau sạch và thơm ngon thì bạn có thể không cần bón phân vô cơ cho cây mà thay vào đó có thể bổ sung dinh dưỡng bằng cách sau.
Sau khi trồng cây khoảng 10 – 15 ngày thì rau đã bắt đầu ra lá, rễ cũng tương đối ổn định. Lúc đó bạn có thể sử dụng các loại phân bón hữu đã qua xử lí như phân bò, phân gà Nhật, phân trùn quế, phân hữu cơ Bounce Back…
Đồng thời kết hợp cùng các loại phân bón lá hữu cơ hấp thụ nhanh chóng hơn như phân đạm cá, rong biển, phân bánh dầu dạng nước… bón định kì 2 tuần/ lần và lưu ý rằng sau khi bón phân phải tưới lại bằng nước sạch để đảm bảo cây không bị cháy lá.
d. Sâu bệnh hại
Bệnh thối thân, thối gốc
Rau húng quế rất ít khi bị bệnh, chỉ khi bạn tưới quá nhiều nước thì cây dễ bị nấm nấm Rhizoctonia solani xâm nhập gây ra bệnh thối thân, thối rễ. Khi nấm bệnh xâm nhập sẽ phá hủy gốc cây gần mặt đất đồng thời xuất hiện vết màu nâu bao quanh cổ rễ.
Bệnh tấn công mạnh làm cây sinh trưởng kém, nhổ lên đứt gốc, gốc thối nhũn, lá vàng rụng, dần dần cây sẽ chết. Để phòng trừ bệnh này thì bạn cần có chế độ tưới nước hợp lí đồng thời khi cây có dấu hiệu bệnh thì nên nhổ bỏ các cây đó, vệ sinh vườn sạch sẽ và có thể sử dụng các loại thuốc trừ nấm bệnh để phun xịt cho cây như Antracol, Ridomil Gold, Daconil, Coc85…
Các loại sâu ăn lá
Khi trồng rau húng quế thì bạn nên yên tâm một điều rằng loại rau này rất ít bị sâu hại tấn công bởi không phải loài côn trùng nào cũng ưa thích hương thơm đặc trưng của nó.
Tuy nhiên thỉnh thoảng rau cũng có thể bị sâu tơ, sâu xanh hay bọ nhảy tấn công. Khi đó bạn cần kết các biện pháp phòng trừ một cách an toàn dùng tay bắt trực tiếp hay sử dụng các thuốc trừ sâu sinh học như dịch tỏi, dầu khoáng SK Enspray 99 EC, Bio – B, Radiant…
5. Thu hoạch rau húng quế đúng cách
Với phương pháp trồng bằng cành giâm thì húng quế của bạn sẽ có thời gian sinh trưởng vô cùng ngắn, chỉ sau 30 – 45 ngày trồng là cây đã có thể cho thu hoạch rồi đấy. Bạn nên thu hoạch vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát, theo kiểu cắt tỉa, cành dài cắt trước, ngắn cắt sau.
Khi cắt, bạn chừa lại đoạn gốc cành khoảng 2 – 3cm để chúng tiếp tục phát triển, đẻ them nhánh mới. Đặc biệt nên phải cách li đủ thời gian ít nhất 10 ngày sau khi bón phân hoặc phun thuốc.
Đồng thời đối với một lần trồng thì rau quế có thể sinh trưởng từ 1 – 2 năm nên sau khi thu hoạch bạn phải tiếp tục chăm sóc để cây có thể cho thu hoạch tốt vào những lần tiếp theo nha.
Nguồn (sưu tầm Nông nghiệp phố)
Nhận xét