Trồng rau dền trong thùng xốp

 1. Rau dền

 

Rau dền là tên gọi chung để chỉ các loài trong chi dền, có tên khoa học lẫn tiếng Anh là Amaranthus. Đây là một loại rau được cho là có nguồn gốc ở Trung Mỹ và Nam Mỹ nhưng khoảng 60 loài với khoảng 400 giống, hiện nay nó có mặt khắp thế giới, cả vùng có khí hậu ôn đới lẫn nhiệt đới.



Rau dền là loài cây thân thảo, có bộ rễ khỏe, ăn sâu nên khả năng chịu hạn, chịu nước tốt, sức nảy mầm cao. Dền thường có một thân thẳng, cành vươn vừa phải, những loài trồng lấy hạt có hoa tạo thành cụm hình chùy ở đầu cành còn những loại lấy rau có hoa mọc dọc theo cành.

Ở Việt Nam dền được trồng với mục đích là cây rau ăn lá. Vì nó có chu kỳ phát triển của nó tương đối ngắn, các giống dền trắng và dền đỏ ở Việt Nam sau khi trồng 25 – 30 ngày thì đã có thể thu hoạch được.


2. Công dụng của rau dền

 

Rau dền là một loại thực phẩm vô cùng bổ dưỡng cung cấp rất nhiều chất mà không phải loại rau nào cũng có. Thân và lá rau dền có vị ngọt, tính hàn, chứa sắt, vitamin A, B1, B2, C, magie, phốt pho, lysin, niacin, kali, canxi, giàu chất xơ, nước, đạm thực vật… Không chỉ nhiều dưỡng chất mà rau dền còn được mọi người ưa chuộng vì có nhiều tác dụng vô cùng tuyệt vời.



a. Rau dền – thực phẩm bổ ích cho xương

Đối với trẻ nhỏ, canxi đóng vai trò xây dựng cấu trúc của xương, giúp trẻ cao lớn. Còn đối với người trưởng thành thì canxi giúp duy trì độ bền chắc của xương và tránh được bệnh loãng xương ở người trung niên.

Tuy nhiên, canxi thường xuất hiện nhiều trong các loại hải sản như tôm, cua, xương bò… và có rất ít loại rau có chứa canxi, mà rau dền là loại chứa hàm lượng cao nhất. Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, canxi trong rau dền cao gấp 3 lần so với rau bina và vượt trội hơn cả sữa bò.

Chính sự dồi dào của canxi chứa trong rau dền làm cho nó trở thành một loại siêu thực phẩm tăng cường sức mạnh của xương và ngăn ngừa chứng loãng xương. Vì vậy, để bổ sung canxi cho xương chắc khỏe thì rau dền chính là một sự lựa chọn vô cùng tuyệt vời cho bữa cơm cho gia đình của bạn vì nó không những dễ tìm mà cũng rất rẻ.


b. Tốt cho người bệnh tiểu đường, giảm cân

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn rau dền thường xuyên giúp ổn định đường huyết, rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Đồng thời, rau dền còn giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tình trạng tăng lượng đường trong máu như béo phì.

Không những vậy, kết hợp với hàm lượng chất xơ nhiều thì đây còn là bí quyết giúp chị em phụ nữ giữ gìn được vóc dáng thon gọn thầm mơ ước.


c. Ngăn ngừa ung thư

Có thể bạn chưa biết trong rau dền còn có chứa một loại axit amin gọi là lysine. Chất này kết hợp cùng với các khoáng chất (kali, phốt pho, magiê, sắt…) và vitamin C, E trong rau sẽ có tác dụng rất lớn trong việc giúp ngăn ngừa các gốc tự do gây lão hóa và dẫn đến sự hình thành các tế bào ung thư. Do đó, để mọi thành viên trong gia đình có thể sở hữu một cơ thể khỏe mạnh, tràn đầy tự tin thì bạn nên bổ sung rau dền vào thực đơn nhà mình.

Ngoài các tác dụng trên thì việc sử dụng rau dền còn có thể giúp bạn ngăn ngừa các vấn đề răng miệng, ngừa bệnh tim mạch, làm giảm chứng thiếu máu, cải thiện hệ tiêu hóa, chữa các bệnh liên quan đến túi mật và thận …



3. Những ai không nên ăn rau dền

 

Rau dền ngon mát và phổ biến trong mùa hè nhưng ngoài vai trò là thực phẩm, đây còn là vị thuốc rẻ tiền trong Đông y. Do đó, một số đối tượng tuyệt đối không nên ăn loại rau này hoặc nếu muốn dùng cần tham khảo ý kiến bác sĩ, dùng thận trọng.

Đầu tiên là những người có cơ thể tính hàn, phụ nữ có thai vì rau dền có tính mát, không thích hợp dùng cho người đi ngoài lỏng, tiêu chảy mạn tính, phụ nữ có thai hư hàn.



Không những vậy, những người bệnh nhân thuộc viêm khớp dạng thấp, bệnh gút, bệnh sạn thận cũng không nên dùng rau dền thường xuyên vì trong thành phần loại rau này chứa nhiều acid oxalic ảnh hưởng nhiều trên sự ức chế hấp thu canxi và kẽm. Đồng thời dễ hình thành các sỏi oxalate nên cần tránh cho các bệnh nhân đang bị viêm khớp dạng thấp, bệnh gút hay bệnh sạn thận.


4. Trồng rau dền trong thùng xốp sạch trên sân thượng siêu đơn giản


a. Chuẩn bị dụng cụ, đất trồng

Đầu tiên bạn cần chuẩn bị thùng xốp, đặc biệt là phải có lỗ thoát nước. Hoặc có thể chọn mua những khay trồng rau đã được thiết kế đầy đủ lỗ thoát nước, hoặc các loại chậu treo tường, ban công vô cùng tiện lợi, tiết kiệm không gian.

Rau dền là một loại cây vô cùng dễ chịu, không đòi hỏi dưỡng chất nhiều. Tuy nhiên để cây có thể phát triển khỏe mạnh thì bạn nên đáp ứng đầy đủ các dưỡng chất cơ bản. 

Đất được chọn để trồng cây phải là đất tơi xốp, giàu mùn nhưng phải có khả năng giữ nước và thoát nước tốt. Bạn có thể phối trộn đất theo công thức đơn giản với tỉ lệ 3 đất sạch : 3 phân trùn quế : 2 giá thể trấu hun : 2 mụn dừa.

Tuy nhiên nếu bạn quá bận rộn thì để tiết kiệm thời gian và công sức bạn nên sử dụng nguồn đất hữu cơ giàu dinh dưỡng đã qua phối trộn và xử lý dùng cho tất cả các loại rau là đất sạch hữu cơ chuyên dùng cho rau ăn lá.

Cho đất trồng đã phối trộn vào trong thùng xốp hoặc khay trồng. Chú ý không nên quá đầy mà nên dưới miệng thùng 5 – 7 cm để sau khi trồng không bị đổ ra ngoài để chúng ta cũng dễ dàng chăm sóc hơn.


 b. Chuẩn bị hạt giống

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại giống rau dền khác nhau như rau dền cơm, rau dền tiều, rau dền đỏ, rau dền xanh lá tròn… Đặc biệt là có cả dền ba màu cho bạn tha hồ lựa chọn.



Vì hạt rau dền hơi cứng nên khi mua về bạn phải tiến hành ngâm trong nước ấm (2 sôi : 3 lạnh) trong 2 – 5 giờ. Tiếp theo bạn đem hạt giống đã ngâm đi rửa sạch rồi ủ khăn ấm đến khi hạt có giấu hiệu nảy mầm thì đem đi gieo ngay.


c. Tiến hành trồng ngay thôi nào

Đầu tiên, để tạo độ ẩm cần thiết cho đất bạn nên tưới một lớp nước vừa phải và xới đất lên cho thật đều. Sau đó rạch từng hàng thẳng ở trong thùng xốp với khoảng cách hàng cách hàng 10cm và rắc đều hạt giống xuống đất.

Tiếp đến bạn nên rải một lớp đất mỏng phủ lên bề mặt hạt giống mới gieo và tưới nước. Nhớ nên rải hạt giống vừa phải đều tay không quá dày mà cũng không quá thưa.



Sau khi gieo hạt thì bạn nên tiến hành che phủ 5 – 7 ngày bằng rơm rạ, mụn dừa, trấu hun… Hoặc sử dụng lưới che nắng che lên trên để hạt có thể giữ được độ ẩm thích hợp kích thích sự nảy mầm.


5. Kĩ thuật chăm sóc rau dền xanh tốt hái mỏi tay

 

a. Ánh sáng

Rau dền là một loài rau ưa sáng, chúng có thể phát triển ở những vùng núi cao nhất nơi có ánh sáng quanh năm. Vì vậy bạn nên chọn vị trí trồng rau là nơi có nhiều ánh sáng để cây có thể quang hợp tốt, thân mập, lá khỏe và ngày một xanh tốt.


 b. Chế độ nước

Ông bà ta thường có câu “Nhất nước, nhị phân, tam cần, tứ giống.” Do đó để công việc trồng rau dền nhà bạn đạt hiệu quả cao như mong đợi thì việc tưới nước sao cho hợp lí là điều rất quan trọng.

Khi mới gieo hạt để tăng khả năng nảy mầm và sống sót, tránh bị mất nước khi còn yếu bạn nên tưới ngày 2 lần sáng chiều. Còn vào thời điểm khi cây đã lớn và bắt đầu sinh trưởng phát triển khỏe mạnh thì bạn tưới 1 lần/ ngày.



Tuy nhiên bạn nên tránh trường hợp tưới quá nhiều vào buổi tối cây dễ bị nấm bệnh tấn công và chú ý là phải nên tưới đều khắp thật nhẹ nhàng bằng bình tưới vòi sen hoặc phun mưa vì đây là loài rau thân thảo, lá mỏng manh dễ bị dập nát.


c. Hàm lượng dinh dưỡng

Có nguồn gốc từ loài cây hoang dại nên sức sống của rau dền rất bền bỉ, đặc biệt nó thể sống ở những vùng đất cằn cỗi. Do đó khi trồng rau dền để đảm bảo dền thu hoạch thực sự là rau sạch thì bạn có thể không cần bón phân vô cơ cho cây mà thay vào đó có thể bổ sung dinh dưỡng bằng cách sau.

Sau khi gieo khoảng 7 – 10 ngày thì rau đã bắt đầu ra lá, rễ cũng tương đối ổn định. Lúc đó bạn có thể sử dụng các loại phân bón hữu đã qua xử lí như phân bò, phân gà, phân trùn quế…

Hoặc các loại phân bón lá hữu cơ hấp thụ nhanh chóng hơn như phân đạm cá, rong biển, phân bánh dầu dạng nước…  bón định kì 2 tuần/lần.



Chú ý: Sau khi bón phân phải tưới lại bằng nước sạch để đảm bảo cây không bị cháy lá. Đồng thời cần quan sát mức độ sinh trưởng và màu sắc của lá mà có thể xác định số lần bón phân và điều chỉnh liều lượng phân bón tăng giảm sao cho phù hợp.


d. Sâu bệnh hại rau dền

 

Bệnh lỡ cổ rễ nguy hiểm rau dền

Nguyên nhân của bệnh này là do nấm Rhizoctonia solani gây nên. Khi nấm bệnh xâm nhập sẽ phá hủy gốc cây gần mặt đất đồng thời xuất hiện vết màu nâu bao quanh cổ rễ. Trên vết bệnh có lớp tơ nấm màu trắng và có những hạch nấm nhỏ màu đen như hạt cát.

Bệnh tấn công mạnh làm cây sinh trưởng kém, nhổ lên đứt gốc, gốc thối nhũn, lá vàng rụng, dần dần cây sẽ chết. Để phòng trừ bệnh này thì bạn có thể sử dụng các loại thuốc trừ nấm bệnh để phun xịt cho cây như Antracol, Ridomil Gold, Daconil…

Ngoài ra việc phòng bệnh hơn chữa bệnh, do đó trong quá trình trộn đất trồng cây, bạn có thể bổ sung thêm chế phẩm nấm Tricoderma để tăng cường hệ vi sinh có lợi trong đất, hạn chế được một số nấm bệnh, giúp cây sinh trưởng khỏe mạnh.



Sâu tơ, sâu xanh…

Côn trùng gây hại chủ yếu cho rau dền là các loại sâu ăn lá. Khi thấy sự xuất hiện của chúng trên vườn rau nhà mình, bạn có thể dùng tay bắt trực tiếp vào những buổi sáng tinh mơ hoặc nếu chúng quá nhiều khó có thể kiểm soát thì bạn có thể sử dụng dịch tỏi, Neem Chito, dầu khoáng SK Enspray 99 EC, Bio – B, Radiant…


e. Nhổ cỏ, tỉa cây

Phải thường xuyên nhổ cỏ và vun gốc để cây có thể phát triển mạnh, đặc biệt là trong quá trình bón phân để cỏ không cạnh tranh hút hết các chất dinh dưỡng của cây.

Trong giai đoạn sau khi gieo trồng được 7 – 10 ngày, nếu cây mọc quá dày thì có thể tỉa bớt với khoảng cách mỗi cây cách nhau khoảng 2 – 3 cm để cây có đủ không gian sinh trưởng.



f. Thu hoạch

Rau dền có thời gian sinh trưởng vô cùng ngắn, chỉ sau 1 tháng trồng là bạn đã có thể thu hoạch những cây rau dền xanh non rồi. Bạn có thể thu hoạch bằng cách tỉa bớt những cây lớn trước dùng dần hoặc chia thành 2 – 3 đợt cách nhau 5 – 7 ngày. Đặc biệt nên nhớ phải cách li đủ thời gian ít nhất 10 ngày sau khi bón phân hoặc phun thuốc nhé!


 

Nguồn (Sưu tầm Nông nghiệp phố)






Nhận xét