Đa số nhiều người cho rằng việc đóng kín cửa bật máy lạnh cả ngày giúp đỡ tốn điện và tốt cho máy, nhưng thực tế có phải như vậy hay không?
1. Cách sử dụng hiệu quả
Chúng ta thường cho rằng, khi dùng điều hòa (máy lạnh) bắt buộc phải đóng cửa kín mít. Như thế mới đảm bảo độ mát và không hại máy, tuy nhiên cách làm này không hoàn toàn đúng.
Khi bật điều hòa, chúng ta thường đóng kín tất cả các cửa để tránh làm thất thoát khí lạnh giúp tiết kiệm điện. Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng không khí trong phòng điều hòa đóng kín thường độc hại gấp 2-5 lần so với không khí ngoài trời. Nếu liên tục sử dụng điều hòa trong phòng nhỏ đóng kín cửa thì căn phòng sẽ trở nên ngột ngạt hơn, người sử dụng sẽ cảm thấy bí bách, nặng nề, giống như không có oxy để thở. Đặc biệt với đối tượng là người già và trẻ nhỏ thì khả năng gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe càng cao.
Để hạn chế điều này, bạn có thể tạo những khe hở nhỏ trong phòng để lưu thông khí, lắp thêm quạt thông gió; nên lựa chọn các loại điều hòa có kèm chức năng lọc không khí, vừa giúp làm mát, vừa đảm bảo sức khỏe.
Các chuyên gia khuyên rằng cứ khoảng 30 phút, bạn nên mở cửa phòng để căn phòng được “thở” một lần. Việc này sẽ giúp không khí trong phòng được “thay mới” và tránh được tình trạng bí bức không tốt cho cả tinh thần lẫn sức khỏe của người ở bên trong.
Vào ban ngày bạn không nên ở trong phòng điều hoà liên tục trong 4 giờ, nó sẽ làm bạn lệ thuộc vào điều kiện chuẩn quá mức mà thiếu đi khả năng thích nghi. Vì thế, cứ khoảng 2 - 3 tiếng thì bạn nên ra ngoài nhiệt độ bình thường một lần để thay đổi không khí và thích nghi với nhiệt độ bên ngoài.
Ngoài ra, khi nhiệt độ giảm xuống (vào chiều tối, khi trời mưa...), bạn có thể tắt điều hòa, mở cửa phòng để không khí lưu thông.
2. Nên làm
Khi sử dụng điều hòa nên dùng thêm quạt
Phòng có điều hòa nên có thêm quạt công suất nhỏ sẽ giúp hơi mát từ điều hòa được phân bổ đều hơn và giúp chúng ta cảm nhận hơi mát tốt hơn, việc này còn giúp ngăn chặn tình trạng da mất nước quá nhiều. Thói quen này cũng giúp tiết kiệm một khoản tiền điện kha khá do không phải cài đặt điều hoà ở mức nhiệt quá thấp.
Sử dụng linh hoạt các chế độ trên điều khiển
Sử dụng một cách linh hoạt các chế độ trên điều khiển điều hòa cũng giúp người sử dụng tiết kiệm được khá nhiều điện năng.
Ví như: khi ngủ, bạn có thể để điều hòa ở chế độ ngủ đêm Sleep vì ở chế độ này máy sẽ tự động làm tăng nhiệt độ phòng lên 1°C – 3°C khi về sáng, giúp cơ thể dễ chịu hơn trong khi ngủ và cũng tiết kiệm điện hơn.
Hay khi độ ẩm trong không khí tăng cao, bạn nên sử dụng chế độ Dry để tiết kiệm điện cũng như giúp căn phòng được khô ráo hơn thay vì chế độ Cool.
- Chế độ Dry phù hợp sử dụng với thời tiết nóng ẩm, trời chuẩn bị mưa hoặc đầu đông (độ ẩm trong phòng cao từ 60% trở lên, khi nhiệt độ bên ngoài không quá 34°C).
- Chế độ Cool phù hợp sử dụng với thời tiết nắng nóng, hanh khô, trời mùa hè oi bức.
Thao tác đơn giản này sẽ giảm công suất tiêu thụ điện của điều hòa đáng kể mà không phải ai cũng biết. Mẹo này tiết kiệm điện bởi khi hoạt động ở chế độ Cool, điều hòa lấy nhiệt nóng từ trong phòng để đẩy ra cục nóng bên ngoài, giúp giảm nhiệt độ, làm mát không khí trong phòng. Điện năng tiêu thụ cho hoạt động này của điều hòa là khá nhiều.
Trong khi đó, nếu ở chế độ Dry, điều hòa sẽ hút hơi ẩm ra khỏi phòng, trả lại không khí trong lành và khô ráo hơn. Chế độ này tiêu thụ điện năng ít hơn chế độ làm mát khá nhiều.
Bật tắt máy hợp lý
Cách sử dụng máy lạnh hằng ngày của bạn cũng tác động rất lớn đến tuổi thọ hoạt động của máy. Nên bật/tắt máy một cách hợp lý, khi vừa tắt máy mà muốn bật lại thì nên đợi một khoảng thời gian rồi mới bật máy.
Khi tắt hẳn máy lạnh, nên ngắt luôn nguồn điện tới máy nhằm phòng tránh các trường hợp rò rỉ và chập điện có thể ảnh hưởng tới máy.
3. Không nên
Tắt máy điều hòa khi phòng đã đủ lạnh
Cách dùng điều hòa tiết kiệm điện bạn cần biết đó là bỏ thói quen bật tắt điều hòa liên tục. Nhiều người có thói quen bật điều hoà kèm quạt, sau đó tắt đi, đến khi cảm thấy nóng lại bật điều hoà lại. Có trường hợp chỉ bật máy lạnh 15 phút, phòng hơi lạnh một chút thì tắt, 15 phút sau bật lại. Tuy nhiên đây là cách làm tai hại, vừa không những lãng phí thêm tiền điện mà còn làm cho điều hòa nhanh hỏng. Thay đổi trạng thái nóng-lạnh liên tục cũng làm cơ thể bạn khó chịu.
Mỗi lần khởi động, điều hoà phải tiêu tốn rất nhiều điện năng để bật máy nén, động cơ quạt và làm lạnh không khí đến mức nhiệt độ yêu cầu.
Cách hợp lý nhất là nên duy trì nhiệt độ phòng ở mức ổn định, chứ không nên tắt hẳn máy điều hòa. Chênh lệch nhiệt độ lý tưởng giữa nhiệt độ phòng điều hòa và nhiệt độ bên ngoài là khoảng 7°C.
Để nhiệt độ điều hòa quá thấp
Nhiều người sau khi đi trời nắng về thường có thói quen giảm nhiệt độ điều hoà xuống mức 16 -18°C để làm mát nhanh, tuy nhiên việc làm này vừa khiến thiết bị hoạt động quá tải, lại gây lãng phí điện và ảnh hưởng tới sức khoẻ. Mỗi khi bạn giảm 5°C thì điều hòa sẽ tiêu tốn thêm khoảng 40% điện năng.
Để tiết kiệm điện, hãy khởi động điều hoà ở mức nhiệt 23 - 24°C, sau đó tăng dần lên mức mong muốn. 26°C là mức nhiệt tối ưu cho cả sức khỏe lẫn ví tiền của bạn.
Mức nhiệt 23 - 25°C vào ban ngày và 25 - 28°C vào ban đêm thích hợp để máy lạnh hoạt động tối ưu, xét về tương quan tiền điện và hiệu quả làm mát.
Không sử dụng điều hòa 24/24
Không nên bật điều hòa 24/24, kể cả vào những nắng nóng vì khi ở trong môi trường điều hòa lâu sẽ khiến cơ thể dễ mất nước, khô da, khô tuyến hô hấp… Thêm nữa, việc bật máy lạnh cả ngày sẽ khiến hóa đơn tiền điện tăng lên đáng kể, chi tiết máy bên trong cũng bị hao mòn, làm giảm tuổi thọ sản phẩm.
Tắt điều hoà trước khi ra ngoài khoảng 30 phút
Theo các chuyên gia khuyến cáo thì nên tắt điều hòa trước khi ra ngoài 30 phút. Trong khoảng thời gian này, nhiệt độ trong phòng vẫn đủ mát để bạn cảm thấy thoải mái, tắt đi trước sẽ tiết kiệm điện. Hơn nữa, lúc này nhiệt độ hạ từ từ để cơ thể thích ứng, tránh trường hợp sốc nhiệt khi ra ngoài. Sau khi tắt máy bằng điều khiển từ xa, bạn ngắt luôn aptomat để tránh máy tiêu thụ điện ngầm.
Bài cùng chủ đề:
Nhận xét